Trung Quốc Sao Chép Công Nghệ: Khi “Ăn Cắp” Là Một Nghệ Thuật?

Trước khi có được khả năng tạo ra các bản sao của những hệ thống vũ khí hết sức phức tạp chỉ từ vài nguyên mẫu hoặc một phần tài liệu thu thập được, người Trung Quốc thực ra đã ráo riết chuẩn bị cơ sở hạ tầng, từ các ngành công nghiệp cốt lõi nhằm hoàn thiện một nền tảng công nghiệp quân sự hết sức vững mạnh.
Mọi chuyện phải bắt đầu từ năm 1950, giữa Liên Xô và các cường quốc phương Tây dù từng là đồng minh trong cuộc chiến tiêu diệt chủ nghĩa phát xít nhưng do sự khác biệt về tư tưởng cũng như đường hướng phát triển, mối quan hệ giữa 2 bên đã xuất hiện những mâu thuẫn gay gắt. Đúng lúc này, Trung Quốc với hơn 550 triệu dân trên 1 lãnh thổ với diện tích lớn thứ 3 thế giới, cùng nguồn tài nguyên khổng lồ đang nổi lên như một quốc gia hoàn hảo có thể cùng Liên Xô tạo ra một thế lực ngang hàng với các cường quốc phương Tây, đưa tầm ảnh hưởng của Liên Xô cũng như chế độ xã hội chủ nghĩa lên phạm vi toàn cầu. Hơn nữa, dù từng có quan hệ với cả 2 thế lực trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng nhưng phe đang giành ưu thế tuyệt đối tại Trung Quốc lúc này lại là Đảng Cộng Sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông vốn có sự tương đồng với Liên Xô về hệ tư tưởng. Không để lỡ thời cơ, ngày 14/2/1950, ngay khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc còn chưa kịp hoàn thành thống Nhất toàn bộ Trung Quốc lục địa( bao gồm cả Tây Tạng, Tân Cương), Liên Xô đã ký với Trung Quốc Hiệp ước hữu nghị, liên minh và tương trợ, chính thức đặt nền móng cho sự phát triển CNQP của Trung Quốc.
Ngay sau đó, từ 1950-1956, Liên Xô đã xây dựng tại Trung Quốc hơn 200 cơ sở công nghiệp quan trọng trong nhiều lĩnh vực, như: hóa chất, lọc dầu, công nghiệp nặng, chế tạo máy bay, đóng tàu, xe tăng và vũ khí cá nhân… Hầu hết các loại vũ khí đó đã được Liên Xô cấp phép để Trung Quốc sản xuất ra những phiên bản nội địa đầu tiên dưới sự giám sát và chuyển giao công nghệ theo tiêu chuẩn Liên Xô. Đến tháng 9/1958, các nhà khoa học Liên Xô đã giúp đỡ khởi động lò phản ứng thí nghiệm hạt nhân nước nặng đầu tiên của Trung Quốc và xây dựng máy gia tốc thực nghiệm; đồng thời, đào tạo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân cho Trung Quốc.
Từ lúc này, về cơ bản, nền tảng công nghiệp quốc phòng hiện đại Trung Quốc đã được thiết lập, vừa kịp trước năm 1961, khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Khrushchev đã quyết định chấm dứt trợ giúp quân sự đối với Trung Quốc. Thế nhưng, đối với tham vọng của người Trung Quốc, chỉ nền móng vững chắc thôi là chưa đủ, với đường lối đối ngoại hết sức khôn khéo, giới lãnh đạo Trung Quốc lại giúp nền công nghiệp quốc phòng nước này đạt được những bước tiến khổng lồ dưới sự hỗ trợ về công nghệ quốc phòng từ Mỹ-quốc gia mà chỉ mấy năm trước họ còn coi là địch thủ. Số là người Mỹ lúc này cũng muốn sử dụng Trung Quốc như một đối trọng giúp chống lại Liên Xô từ khu vực châu Á nên cũng tận tình giúp đỡ mà không hề hay biết rằng chính họ đang dần tạo nên một thế lực mà trong tương lai, sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với quyền lực của họ trên phạm vi toàn cầu Đặc biệt, sau cái ch.ết của Mao Trạch Đông vào 9/9/1976, chứng kiến những hậu quả nặng nề từ những kế hoạch “trên trời” như Đại nhảy vọt, Đại cách mạng văn hóa; thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc là nhóm Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương, Hồ Diệu Bang lúc này đã quá hiểu rằng những quan điểm đặt quá nặng tính tuyên truyền theo hướng tự đề cao chính mình đến mức xa rời thực tế, thiếu cầu thị thực ra chẳng mang lại được gì ngoài tự huyễn hoặc, ru ngủ chính đồng bào, đồng chí của mình mình.
Với tinh thần “thực tiễn là tiêu chuẩn để đánh giá chân lý”, phe cải cách của Đặng Tiểu Bình ngoài tranh thủ “giấu mình chờ thời”, tranh thủ Mỹ cùng các nước phương Tây đang đứng trên đỉnh cao chiến thắng mà âm thầm vừa đẩy mạnh cải cách kinh tế đồng thời tiếp thu, học tập các công nghệ quốc phòng phương Tây, từng bước củng cố thêm nền tảng công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Thậm chí, để tranh thủ tiền của, kỹ thuật của Mỹ và các nước tư bản phương Tây, Trung Quốc còn tiến hành cuộc xâm lược phi nghĩa vào Việt Nam năm 1979. Sau sự kiện này mối quan hệ hợp tác Trung-Mỹ không ngừng được củng cố, giúp Trung Quốc dần tiếp cận, làm chủ không chỉ đối với nền công nghệ, kỹ thuật quân sự tiên tiến của người Mỹ mà là cả những tinh hoa trong công nghệ quốc phòng của các quốc gia tiên tiến khác như Pháp, Israel, Thụy Sĩ,.. từng bước hoàn thiện các quy chuẩn, phương pháp nghiên cứu và phát triển kỹ thuật quân sự. Đến năm 1986, Mỹ lại giúp Trung Quốc hiện đại hóa tiêm kích J-8II với hệ thống điện tử phương Tây. Đỉnh cao của hợp tác quân sự Trung – Mỹ phải kể đến là dự án hợp tác phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực Jaguar. Đây là “chiếc xe tăng đa quốc gia”, thân xe là mẫu Type-59 của Trung Quốc (bản sao từ T-55 của Liên Xô), tháp pháo M68 của Anh và hệ thống điện tử của Mỹ. Đến thời điểm này, cả cơ sở hạ tầng cùng trình độ kỹ thuật quân sự của Trung Quốc về cơ bản đã phát triển đến mức toàn diện. Điều đó cũng có nghĩa là người Trung Quốc hoàn toàn có thể chế tạo hầu hết các loại vũ khí, khí tài quân sự trên khắp thế giới, miễn là họ nắm được chi tiết các kết cấu kỹ thuật.
Theo tinh thần ”không cần biết mèo đen hay mèo trắng, miễn là bắt được chuột”, với nền tảng công nghệ sẵn có, giới lãnh đạo Trung Quốc thay vì dồn toàn lực đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ quân sự cho riêng mình thì lại phân bổ thêm nguồn lực vào các hoạt động nhằm tiếp cận những thiết kế vũ khí, khí tài sẵn có của nước ngoài rồi bắt đầu tiến hành hàng loạt các hoạt động nhân bản, sao chép công nghệ quốc phòng với quy mô chưa từng có. Cũng như lần trước, nạn nhân đầu tiên của chính sách thực dụng kiểu Trung quốc lúc này lại tiếp tục là những người Liên Xô. Nhân lúc siêu cường này lâm vào khủng hoảng, người Trung Quốc đã không ngại vung tiền mua sắm vũ khí quy mô lớn với cả Liên Xô và sau này là Nga, Ukraine. Những loại vũ khí chủ yếu được Trung Quốc lựa chọn là các hệ thống tối tân như hệ thống tên lửa phòng không tầm xa, chiến đấu cơ, tàu chiến thế hệ mới nhất. Thế nhưng, việc mua vũ khí để trang bị cho quân đội hoàn toàn không phải mục đích thực sự của Trung Quốc. Chỉ vài năm sau, lấy lý do máy bay chiến đấu Nga không còn đáp ứng được nhu cầu của quân đội, Trung Quốc đã hủy hợp đồng với Nga. Bất chấp sự giận dữ nhưng bất lực của người Nga, Trung Quốc đã thản nhiên trình làng dòng máy bay chiến đấu nội địa mới mang tên Shenyang J-11B được chế tạo và trang bị trong nước trông giống hệt Su-27. Trong khi đó, chiếc L-15 bị nhiều người xem là bản sao chép của máy bay huấn luyện Yak-130 và Shaanxi Y-9 là bản sao của An-12. Kế sau các mẫu chiến đấu cơ, hàng loạt hệ thống vũ khí hiện đại bậc nhất, đã làm nên uy tín của nền công nghiệp quốc phòng Nga trên trường quốc tế như hệ thống phòng không S300, tổ hợp tên lửa-pháo phòng không tầm trung Pantsir, pháo tự hành 2s-19, pháo phản lực BM–30 Smerch cũng không thoát khỏi cảnh phải trở thành nạn nhân trong quy trình “kỹ thuật đảo ngược”(theo cách gọi của người Nga). Theo đó, thay vì phải vất vả trải qua các bước từ nghiên cứu, thiết kế, phát triển thử nghiệm và chỉ đi vào sản xuất sau khi mẫu thử nghiệm đã thành công, người Trung Quốc sẽ mổ xẻ những mẫu thiết kế có sẵn, khả năng thực tế đã được chứng minh của nước ngoài rồi đi thẳng vào sản xuất hàng loạt. Nhờ vậy, họ có thể tạo ra những vũ khí với thông số kỹ thuật tương đương bản gốc với mức giá rẻ hơn rất nhiều nhờ không cần phải chi đến hàng trăm tỷ USD và công sức cho hoạt động nghiên cứu lý thuyết, thiết kế và thử nghiệm. Trước tình trạng những thiết kế vũ khí tối tân của mình không những bị sao chép công khai mà còn trở thành công cụ kiếm tiền của Trung Quốc thông qua hoạt động xuất khẩu, người Nga trước các khó khăn về tài chính đã thay vì ngừng xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc thì lại buộc nước này phải mua vũ khí với số lượng lớn, đồng thời đòi tiền bản quyền từ bản sao vũ khí Nga do Trung Quốc sản xuất.
Nhưng thật ra Nga không phải là nạn nhân duy nhất, chính Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ cũng đang phải gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra do trước kia đã tận tình giúp đỡ Trung Quốc hoàn thiện nền tảng công nghiệp quốc phòng tiên tiến. Dù đã không còn được Mỹ cung cấp cho những nguyên mẫu trang thiết bị quân sự để có thể dễ dàng tự mổ xẻ, sao chép như đối với Nga nhưng Trung Quốc vẫn tìm được cơ hội khi Mỹ sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông và Afghanistan trong suốt 20 năm với mức chi phí hao tổn lên tới 2100 tỷ USD chỉ riêng tại Afghanistan mà gần như không thu lại được một chút lợi ích nào. Chính quyền Trung quốc nhân đó đẩy mạnh vào phát triển khoa học công nghệ với tham vọng đạt được thế cân bằng với Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao mới nổi, có thể áp dụng vào phát triển công nghiệp quốc phòng như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, công nghệ thông tin, định vị vệ tinh,…. với một số biện pháp như: Đẩy mạnh số lượng cá nhân ưu tú đến Mỹ và các quốc gia Đồng minh để vừa học tập, vừa cài cắm các gián điệp công nghệ kết hợp chính sách ép buộc chia sẻ công nghệ đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc cùng cơ chế phối hợp linh hoạt giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, sẵn sàng đưa các thành tựu công nghệ từ dân sự vào phục vụ quân sự. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc tăng cường tài trợ cho các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài có mục tiêu nhằm đánh cắp mạng và khai thác quyền truy cập của công dân Trung Quốc vào các công nghệ mật của Mỹ và Đồng Minh, cũng như khai thác các dịch vụ tình báo, xâm nhập máy tính và các cách tiếp cận bất hợp pháp khác Ngoài ra, Trung Quốc cũng tìm cách đạt được những tiến bộ kỹ thuật có giá trị bằng cách tiến hành hợp tác riêng với các đồng minh của Mỹ, đã mua và sử dụng vũ khí Mỹ. Chính vì lý do này mà Mỹ quyết định không xuất khẩu tiêm kích tàng hình Lockheed Martin F-22 Raptor.
Nhưng cái gì cũng phải đến, trong đó dễ thấy nhất là những những nét tương đồng đáng kể giữa các máy bay J-20 và J-31 của Trung Quốc với F-22 và F-35 của Lockheed Martin (Mỹ). Bên cạnh 2 dòng máy bay thế hệ 5 lừng danh, Trung Quốc cũng có các phiên bản vũ khí nội địa của riêng mình với thiết kế tương đồng đến đáng ngạc nhiên với các vũ khí Mỹ như: Tàu đệm khí Type-726 bị coi là bản sao của LCAC- sản phẩm mang tính cách mạng trong tác chiến đổ bộ của người Mỹ Tương tự, tàu khu trục lớp Arleigh Burke được Mỹ chế tạo trên nền tảng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis với thiết kế chuyên dụng để đối phó với các cuộc tấn công đường không quy mô lớn cũng không tránh khỏi cảnh bị Trung Quốc nhân bản để tạo ra phiên bản nội địa mang tên Type-052D. Trình độ sao chép vũ khí của Trung Quốc còn được nhiều người xem là đến mức tiệm cận hoàn hảo khi chứng kiến màn thể hiện của những mẫu máy bay không người lái như Chengdu Wing Loong( bị xem là bản sao của MQ-1 Predator) và SVU-200( bị xem là bản sao của Northrop Grumman MQ-8). Riêng đối với dòng trực thăng Z20, là bản sao chép của dòng S-70C-2( chính là phiên bản dân sự của dòng UH-60 Black Hawk lừng danh) còn được đánh giá là có phần vượt trội hơn cả UH-60 Black Hawk với hộp số và động cơ được Trung Quốc phát triển độc lập. Quả thật, nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ phía chính phủ cùng khả năng học hỏi nhanh chóng của mình, người Trung Quốc đã thành công tạo nên một trong những nền công nghiệp quốc phòng đồ sộ nhất thế giới nhờ nhân bản hàng loạt thiết kế vũ khí từ khắp nơi. Tại Mỹ cũng bắt đầu xuất hiện những lo ngại về viễn cảnh người Trung Quốc từ chỗ bắt chước, sao chép có thể sánh ngang với Mỹ về công nghệ quốc phòng trong tương lai