Thiên Mã Pegasus – Con Tàu “Bay” Nhanh Nhất Của Hải Quân Hoa Kỳ

Mang tên loài thiên mã có cánh trong thần thoại Hy lạp, Pegasus là lớp tàu tên lửa cánh ngầm (PHM) được thiết kế cho Hải quân Mỹ nhằm đáp ứng các nhiệm vụ của khối quân sự NATO trên vùng Biển Bắc và Biển Baltic.
Có thể các bạn chưa biết, khái niệm tàu cánh ngầm dùng để chỉ loại tàu thủy được trang bị cánh giống như những chiếc lá lắp trên các giằng phía dưới thân. Khi tàu tăng tốc, các cánh ngầm tạo ra lực nâng thân tàu lên khỏi mặt nước, có tác dụng giảm rất nhiều lực cản; từ đó có thể đẩy tốc độ lên cao. Năm 1970, trước đề xuất của đô đốc Elmo Zumwalt về kế hoạch tăng số lượng tàu mặt nước của Hải quân Hoa Kỳ nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí; Hải quân Hoa Kỳ đã đề xuất thiết kế kiểu lớp tàu tên lửa cánh ngầm như một tiêu chuẩn tàu tên lửa tấn công nhanh của NATO; đến năm 1972 lớp Pegasus đã có đơn đặt hàng đầu tiên cho 2 nguyên mẫu.
Mặc dù có kích thước còn nhỏ hơn cả lớp tàu Molniya mà Việt Nam sở hữu, những tàu tên lửa cánh ngầm này đã được tối ưu hóa về mặt diện tích đến mức tối đa để có thể vũ trang tới 8 tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon có tầm bắn 124 km. 8 tên lửa này được bố trí gọn gàng trong 2 cụm 4 ống phóng nổi trên mặt tàu, ngoài ra tàu còn được trang bị thêm 1 pháo bắn nhanh OTO Melara Mk 75 cỡ 76,2 mm có tốc độ bắn 80 phát/phút với khoảng cách bắn xa gần 8 km. Được tạo ra bởi người Mỹ nhưng tàu lớp Pegasus lại chia sẻ nhiều điểm chung với các tàu tên lửa tấn công nhanh của Liên Xô như lớp Osa, Komar. Cụ thể, lớp tàu tên lửa Pegasus là loại tàu tấn công nhanh, được thiết kế theo kiểu chiến thuật “đánh và chạy”, tận dụng ưu thế kích thước nhỏ, tốc độ cao để tấn công chớp nhoáng, gây bất ngờ cho kẻ địch rồi cơ động rút lui, trước khi quân địch có thể nhận ra và tiến hành phản công. Điều đó có được là nhờ thiết kế tàu cánh ngầm được Boeing Marine đã áp dụng cho lớp Pegasus và trang bị tới 3 loại động cơ giúp gia tăng tốc độ lên đáng kể trong một thời gian ngắn. Điều thú vị là chính thiết kế cánh ngầm đặc trưng cũng khiến lớp Boeing Pegasus giảm thiểu khả năng bị tổn thương bởi các vụ nổ từ dưới nước hơn bất kì loại tàu chiến nào khác. Nếu được sử dụng rộng rãi hơn, rất có thể lớp tàu chiến này sẽ được tùy biến thêm làm tàu quét mìn cỡ nhỏ hoặc trục vớt, phá hủy các loại thủy lôi.
Tùy vào đặc thù từng nhiệm vụ, những chiếc Pegasus có thể được trang bị loại radar điều khiển hỏa lực Mk94 Mod 1 hoặc Mk 92 Mod 1. Trong đó, đáng chú ý nhất là loại Radar MK 92 Mod1. Đây là loại radar hiện đại được Hoa Kỳ chế tạo và phát triển cho các khinh hạm mang tên lửa dẫn đường lớp FFG -7 Oliver Hazard Perry. Mẫu radar MK 92 Mod 1 cũng được cho là có tính năng chỉ định mục tiêu thông qua radar tìm kiếm trên không và radar tìm kiếm trên bề mặt của tàu hoặc từ khả năng tìm kiếm của riêng của loại Radar này. Nhờ đó, con thiên mã của người Mỹ có thể dễ dàng phát hiện sớm vị trí quân địch. Đây là lợi thế quan trọng giúp thủy thủ đoàn trên chiếc Pegasus có thể lên kế hoạch tấn công phù hợp, gây thiệt hại cho đối phương nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất có thể. Đồng thời, kích thước nhỏ và tốc độ nhanh cũng đảm bảo cho chiếc tàu tên lửa rút lui an toàn sau khi sử dụng hết 8 tên lửa chống hạm Harpoon mang theo. Ngoài dòng tên lửa RGM-48 Harpoon trứ danh, những chiếc Pegasus có thể sử dụng cả loại tên lửa chống hạm MM38 Exocet của Pháp. Được giới thiệu từ năm 1980, MM38 Exocet được coi là một trong những loại tên lửa diệt hạm dày dạn nhất thế giới. Dù Exocet được phát triển với mục đích chính là tiêu diệt các tàu chiến cỡ nhỏ, cỡ trung (như tàu hộ vệ, tàu hộ tống, tàu khu trục) nhưng nếu phóng một loạt đòn tấn công cùng 1 lúc, loại tên lửa này cũng có thể đánh chìm tàu sân bay.
Khi mới ra đời, lớp tàu Pegasus được coi là một vũ khí hiếm hoi của người Mỹ hội tụ đủ các ưu điểm về sự nhỏ gọn, thiết kế đơn giản, khả năng cơ động và hỏa lực mạnh như tàu tên lửa cánh ngầm Pegasus. Trong nhiệm vụ tác chiến phòng thủ ven biển, phe phòng thủ có thể triển khai một số lượng lớn tàu lớp Pegasus trên một phạm vi rộng, khi các hạm đội địch tiền vào cách trận địa tầm 100km; các tàu Pegasus sẽ thực hiện chiến thuật “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”. Khí đó, hàng chục, hàng trăm tên lửa RGM-48 Harpoon sẽ từ 4 phương 8 hướng lao thẳng đến các tàu khu trục hoặc tàu sân bay phe địch cùng 1 lúc và khả năng đánh chặn dù chỉ là một lượng rất nhỏ số tên lửa Harpoon khi chúng đã ra khỏi ống phóng gần như là không thể. Pegasus cũng mang đầy đủ những đặc tính của một lớp tàu tấn công phi đối xứng hoàn hảo. Mặc dù ở chế độ chạy thường, 2 động cơ diesel tăng áp MTU của Mercedes-Benz có tổng công suất 1.600 mã lực (1.193 kW) kết hợp với hệ thống đẩy phản lực nước chỉ có thể cho tàu tốc độ tối đa đạt 12 hải lý/h (22km/h); tuy nhiên, khi bật chế độ hoạt động với cánh ngầm, động cơ turbine khí General Electric LM2500 công suất 18.000 mã lực ngay lập tức sẽ được kích hoạt, giúp con thiên mã này có thể phi nước đại với tốc độ lớn nhất lên tới 48 hải lý/h (89 km/h). Có trong mình khả năng tăng tốc nhanh chóng như vậy, những chiếc Pegasus với lượng giãn nước đầy tải chỉ vỏn vẹn 237,2 tấn; dài 40m; chiều rộng 8,5m hoàn toàn có thể dễ dàng thực hiện các mũi tấn công vu hồi vào các tàu chiến lớn khi đang hoạt động đơn lẻ hoặc bí mật đánh phá vào các căn cứ hải quân phe địch. Thậm chí trong nhiều trường hợp, những lớp tàu tên lửa tấn công nhanh như Pegasus có thể đánh bại những tàu chiến được trang bị hiện đại hơn mà không cần có sự vượt trội về số lượng
Cuối cùng, tất cả sáu tàu Pegasus đã được đưa về Key West, bang Florida để tham gia các hoạt động chống ma túy và thậm chí phục vụ cho lần Mỹ can thiệp vào Grenada. Vào thời gian cuối của Chiến tranh Lạnh, các tàu Pegasus đã được cho nghỉ hưu. Vậy nên, sau khi Đô đốc Elmo Zumwalt – người nhiệt liệt ủng hộ dự án này nghỉ hưu, Hải quân Mỹ lại quay sang đầu tư cho thiết kế tàu chiến lớn hơn, bỏ qua lớp tàu tên lửa Pegasus. Rốt cuộc là chỉ có 6 chiếc được chế tạo trong giai đoạn từ 1973-1982 trang bị cho Hải quân Mỹ. Tính đến ngày 30/7/1993, toàn bộ 6 tàu tên lửa lớp Pegasus bị rút khỏi trang bị Hải quân Mỹ. Điều thú vị là trong 6 tàu lớp Pegasus nghỉ hưu thì 4 chiếc đã bị bán phế liệu, 1 chiếc mang tên SS Aries được đưa vào bảo tàng và chiếc còn lại mang tên USS Gemini đã được một tổ chức tư nhân mua lại để cách tân thành một chiếc du thuyền hạng sang. Vào tay người chủ mới, Chiếc du thuyền từng là tàu chiến này đã đi nhiều chuyến tới Florida và Bahamas, rồi được sang tay cho người khác. Cuối cùng, nó lại được neo đậu ở bang North Carolina, dọc theo sông Cape Fear – những nơi trước đây nó thường neo đậu. Những người chủ mới lại thay máy tàu diesel-điện cho du thuyền. Cuối cùng thì con tàu cũng bị bán vào bãi rác. Cả phần thượng tầng mới bằng nhôm tốt cũng như phần thân tàu chiến cũ bị cắt vụn. Tới giờ, đây vẫn được xem là một câu chuyện buồn cho một lớp tàu chiến tốt nhưng không gặp thời. Sau lớp tàu Pegasus, người Mỹ cũng không chế tạo thêm bất kì lớp tàu nào tương tự như vậy nữa.