Tàu Sân Bay Được Bảo Vệ Bằng Những Biện Pháp Tối Tân Nào?

Theo các chuyên gia Hoa Kỳ, những loại vũ khí thực sự có thể bị coi là mối nguy thường trực đến các tàu sân bay lớp Ford, lớp Nimitz trong quân đội Mỹ chỉ có thể là các phi đội tiêm kích, cường kích, oanh tạc cơ hiện đại, các loại tàu ngầm tàng hình và tên lửa diệt hạm.
Điều đó cũng có nghĩa là, để giữ an toàn không chỉ cho những chiếc tàu sân bay mà còn là cả vũ khí, trang thiết bị cùng 3000-5000 sĩ quan và binh lính trên đó, người Mỹ chỉ cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật có thể ngăn chặn đồng thời những con tàu ngầm, tên lửa siêu thanh hay các chiến đấu cơ của đối phương nhưng vẫn phải gọn gàng và tiết kiệm hết mức có thể bởi một chiến tàu sân bay cùng đội tàu hộ tống cho nó về cơ bản đã là quá cồng kềnh và đắt đỏ. Việc đầu tiên để những chiếc tàu sân bay không trở thành những tấm bia tập bắn di động cho những quả tên lửa chống hạm siêu thanh hay những loại ngư lôi được mệnh danh là sát thủ tàu sân bay như Poseidon của Nga; những căn cứ quân sự trên biển này buộc phải tự thân có khả năng di chuyển với tốc độ đáng kể để ít nhất cũng có thể di chuyển đến nơi an toàn hoặc làm giảm độ chính xác của hỏa lực địch.
Nắm rõ điều này, người Mỹ đã không ngại trang bị lên những chiếc tàu sân bay của mình loại động cơ cực khỏe. Như đối với lớp tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz thì đó là 2 lò phản ứng hạt nhân A4W, được bố trí trong các khoang riêng biệt. Chúng cung cấp năng lượng cho bốn chân vịt, và có thể di chuyển liên tục trong nhiều tuần với tốc độ tối đa trên 56 km/h. Dù có phần hơi chậm so với tốc độ trên 100km/h của một chiếc xe máy Dream nhưng đó vẫn là quá nhanh đối với một con tàu có lượng choán nước gần 100.000 tấn và gần tương đương với tốc độ 60km/h một con tàu tên lửa tấn công nhanh như tàu lớp Molniya mà Việt Nam có sở hữu. Tốc độ 60km/h cũng được coi là đủ nhanh để tạo lợi thế đối với con tàu có lượng choán nước chỉ tầm 450 tấn. Tốc độ nhanh, có thể di tản đến bất kỳ căn cứ hải quân nào của Mỹ trên khắp địa cầu cùng khả năng chuyển hướng linh hoạt rõ ràng sẽ khiến việc bắn hạ những cỗ pháo đài di động trên biển này, đặc biệt là bằng ngư lôi tàu ngầm thêm phần khó khăn bởi việc thực hiện các thao tác né tránh ngay khi phát hiện ra mình đang trở thành mục tiêu của một chiếc tàu ngầm hoàn toàn không phải là bất khả thi đối với những tàu sân bay Mỹ vốn luôn được hỗ trợ bởi những khí tài trinh sát hàng đầu thế giới từ những máy bay săn ngầm đến các vệ tinh.
Không dừng lại ở đó, khả năng tự bảo vệ mình của những chiếc tàu sân bay lớp Ford, Nimitz còn nằm ở một loạt radar phòng không tầm xa hay các radar dò tìm mục tiêu tầm gần, chuyên dùng để phát hiện những phương tiện của đối phương trên mặt nước hoặc trên không. Đáng chú ý nhất trong số đó phải kể đến các loại radar AN/SPS-48 được trang bị trên tàu có thể phát hiện máy bay đối phương ở khoảng cách 460km, hoặc radar AN/SPQ-9 có thể phát hiện và theo dõi hướng bay của những mục tiêu như tên lửa hành trình diệt hạm, máy bay không người lái cỡ nhỏ hoạt động tầm thấp ở khoảng cách 37km. Để đối phó với các tàu ngầm tàng hình, người Mỹ cũng cẩn thận trang bị thêm hệ thống phòng thủ AN/SLQ-25A Nixie chuyên dùng để chống lại mối đe dọa tới từ ngư lôi của đối phương. Đến cả các hệ thống phòng thủ tầm ngắn trên những chiếc tàu sân bay Hoa Kỳ cũng hết sức đa dạng nhưng phổ biến nhất vẫn là ba hệ thống Phalanx CIWS bao gồm pháo sáu nòng M61A1 Vulcan cùng radar điều khiển hỏa lực; hai hệ thống Mk 57 Mod3 chứa các tên lửa tầm ngắn Sea Sparrow và cuối cùng là hai hệ thống tên lửa phòng không RIM-116.
Thế nhưng trên thực tế, việc những chiếc tàu sân bay bị dồn vào đường cùng đến mức phải tự xoay sở để bảo vệ mình đã là tình huống khó xảy ra và không thể bi đát hơn đối với hải quân Mỹ bởi những chiếc tàu sân bay của người Mỹ dù đóng vai trò trung tâm nhưng thực ra vẫn chỉ là một phần trong cái gọi là nhóm tác chiến tàu sân bay và chúng không bao giờ hoạt động độc lập. Có thể bạn chưa biết, nhóm tác chiến tàu sân bay(viết tắt là CSG) là thuật ngữ dùng để chỉ nhóm tác chiến trên biển có thể được triển khai ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Trong đó, đội hình tiêu chuẩn của một nhóm tác chiến tàu sân bay được xây dựng xung quanh một con tàu sân bay đóng vai trò làm trung tâm sức mạnh, nó mang theo những tiêm kích hạm, thường mang được tới 60 máy bay, loại thường thấy nhất trên các tàu sân bay Mỹ là F/A-18 và F-35C, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye, trực thăng tấn công mặt nước kiêm chống ngầm MH-60S Seahawk và máy bay vận tải C-2 Greyhound. Ngoài là căn cứ di động cho các máy bay quân sự, tàu sân bay còn đảm nhận vai trò điều phối và chỉ huy toàn bộ hoạt động của cả nhóm.
Ngoài ra, đội hình cơ bản của một nhóm tác chiến tàu sân bay Hoa Kỳ thường có 2-3 tuần dương hạm tên lửa lớp Ticonderoga, 3-4 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, 1-2 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 1-2 tàu hậu cần. Riêng đối với các tàu hậu cần, chúng sẽ không thường trực xuất hiện trong đội hình tác chiến mà sẽ chỉ thực hiện tiếp nhiên liệu hàng không cho máy bay trên tàu sân bay và dầu diesel cho đội tàu hộ tống. Chúng thường đi cuối đội hình khi đã bơm hết nhiên liệu cho các tàu hộ tống, chúng sẽ quay về căn cứ và được thay thế bằng tàu khác.Thế nhưng không phải đội hình hộ tống cho tàu sân bay lúc nào cũng cứng nhắc theo biên chế thường thấy mà có thể thay đổi tùy vào tính chất nhiệm vụ. Tùy theo tình hình từng nhiệm vụ mà nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ được phối thuộc thêm từ 1- đến 2 tàu ngầm hạt nhân nhằm đối phó với các mối đe dọa dưới mặt nước. Không những thế, những binh lính, chỉ huy quân sự làm việc trong một nhóm tác chiến tàu sân bay đều là những binh lính chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản với tần suất dày đặc qua các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn, đủ để tất cả các binh lính chuyển vào trạng thái chiến đấu, hiệp đồng tác chiến ngay lập tức sau khi nổ ra chiến sự.