Tại Sao Tên Lửa Mới Starstreak Của Anh Lại Khủng Khiếp Như Vậy?
Trong những năm 1980, Quân đội Hoàng Gia Anh nhận thấy các vũ khí thế hệ mới của Liên Xô cũng như Hoa Kỳ, đặc biệt là nhiều loại máy bay tác chiến tầm thấp tỏ ra rất hiệu quả trong tác chiến và mang lại những yếu tố bất ngờ cực kỳ cao trên chiến trường. Vì vậy họ mong muốn có thể sở hữu một loại vũ khí phòng không mới có khả năng kháng nhiễu tốt, tốc độ đạn đánh chặn cao và đặc biệt là kết cấu gọn nhẹ có thể sử dụng trên nhiều phương tiện tác chiến khác nhau. Starstreak ra đời như một lời hồi đáp thích đáng cho yêu cầu ấy, đây là hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp, tốc độ cao nhằm chống lại các máy bay trực thăng và các máy bay tấn công mặt đất.
Hệ thống này nằm trong chương trình phát triển các tên lửa vác vai thế hệ mới MANPADS được hãng Thales (TADL) nghiên cứu, sản xuất và phát triển. Dự án phát triển hệ thống Starstreak được công ty thực hiện với tên mã chương trình Thunderbolt HVM. Hệ thống Starstreak đầu tiên được chấp nhận trang bị cho Quân đội Anh vào tháng 9-1997. Chúng đóng vai trò thay thế cho các tổ hợp phòng không vác vai Javelin cũ đã lỗi thời. Đây là hệ thống tên lửa tự hành tốc độ cao bao gồm hai phiên bản hạng nhẹ LML và được phát triển thành phiên bản vác vai năm 2000. Nó có tính di động cực kỳ cao và có thể được lắp ráp cũng như khai hỏa chỉ trong một vài giây. Không chỉ vậy, Starstreak còn có thể được sử dụng trong mọi điều kiện của chiến trường từ sa mạc cho tới các vùng nhiệt đới khắc nghiệt. Ngoài tính cơ động thì tốc độ phản ứng cũng như thay đầu đạn của nó cũng rất ngắn. Với những ưu thế đặc trưng cùng những khác biệt vượt trội của mình, khả năng phòng không của Starstreak vẫn còn tỏ ra rất hiệu quả cho tới tận ngày nay.
Khác biệt đầu tiên của Starstreak so với các MANPADS truyền thống là việc sử dụng cơ cấu dẫn đường bán chủ động bám chùm laser thay vì hệ thống dẫn đường ảnh nhiệt chủ động. Điều này làm cơ cấu phóng của hệ thống phức tạp hơn nhiều so với truyền thống. Các bạn có thể hiểu rằng cấu tạo dẫn bắn của nó làm việc dựa trên 2 chùm tia laser chiếu tới mục tiêu. Đạn tên lửa sẽ bám theo chùm laser chiếu xạ để tự hiệu chỉnh quỹ đạo bay tấn công vào điểm đến đã được định. Các chùm tia laser sẽ duy trì chế độ dẫn đường cho tới khi đạn tên lửa đánh trúng đích, thay vì “bắn và quên” như đầu dò ảnh nhiệt truyền thống. Do cấu tạo phức tạp nên kíp trắc thủ của Starstreak cần có kỹ năng sử dụng vô cùng thành thạo và cần được đào tạo chuyên sâu, bài bản mặc dù các chuyên gia quân sự cho rằng việc đó chỉ cần vài giờ đào tạo cơ bản. Bên cạnh đó, hệ thống dẫn đường bằng laser của tên lửa kiểu này cũng tỏ ra khá tin cậy, bởi vì nó không bị ảnh hưởng bởi bẫy nhiệt hoặc nhiễu radar. Và bởi đầu đạn di chuyển với tốc độ gần 1,6 km / giây, nó sẽ chạm mục tiêu ở cự ly tối đa chỉ từ 5 đến 6 giây sau khi phóng. Như vậy máy bay đối phương sẽ có quá ít thời gian để né tránh hoặc thả bom xuống mặt đất mặc dù khi phóng, trắc thủ phải giữ chùm tia laser cho đến khi trúng đích. Không chỉ vậy, phương pháp ngắm và xác định mục tiêu mới cũng khá phù hợp với các hệ thống phòng không hiện nay vì nó cho tên lửa một đường bay tắt, tăng khả năng đánh chặn với các mục tiêu có tính cơ động cao như máy bay phản lực.
Tuy nhiên, do sử dụng cơ cấu dẫn đường laser, Starstreak rất dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường như khói bụi, mây mù. Những yếu tố này có thể gây nhiễu loạn chùm laser dẫn bắn ảnh hưởng tới độ chính xác của đạn tên lửa đánh chặn. Cùng với đó, nếu phương tiện bay của đối phương có trang bị hệ thống cảm biến laser thì hiệu quả đánh chặn của Starstreak cũng bị giảm đi rất nhiều. Để đạt được tốc độ đánh chặn cao, kết cấu đạn đánh chặn của Starstreak cũng rất phức tạp với 2 tầng phóng. Với cơ cấu hệ thống phóng nhỏ gọn để mang vác trên vai người lính, bất kỳ va chạm nào cũng có thể gây ảnh hưởng tới kết cấu đạn, nhất là trong điều kiện dã chiến. Điểm độc đáo nhất có thể thấy rõ là hệ thống Starstreak sử dụng cơ chế đánh chặn đặc biệt kết hợp giữa xuyên phá động năng và nổ phá mảnh. Cụ thể, Starstreak không dùng đạn tên lửa nổ phá mảnh định hướng thông thường mà sử dụng 3 đạn con được làm bằng hợp kim Vonfram có tỷ khối cao. Đây là một loại hợp kim siêu cứng, bền nhiệt. Điều này đảm bảo cho viên đạn sau khi ma sát mạnh với không khí vẫn có độ cứng cực cao để xuyên phá vào bên trong mục tiêu. Lúc này đầu nổ 450g mới được kích hoạt nhờ cơ chế nổ tác động trễ. Cách tấn công này đặc biệt hiệu quả với các phương tiện bay vốn được thiết kế rất kín. Bên cạnh đó, loại đạn với trọng lượng nặng 0.9kg này được đặt trong ống bảo quản kín để đảm bảo tên lửa có thể tác chiến trong nhiều điều kiện chiến trường khác nhau. Sau khi phóng, ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu, đạn nhỏ sẽ tách khỏi đạn mẹ, mỗi đạn được dẫn hướng độc lập từ hệ thống laser chỉ thị tới đích trên máy ngắm bệ phóng. Khi tiếp xúc con mồi, đầu đạn con xuyên vào bên trong mới phát nổ. Điều này làm cho mục tiêu khó có khả năng “chạy thoát” được nó. Cụ thể hơn là ba đạn con với tên gọi “phi tiêu” nặng 900 gram, được giải phóng và sử dụng động năng sẵn có xuyên thẳng vào đối thủ rồi mới kích nổ đầu đạn mang theo để phá hủy con mồi đã định. Phương thức đánh chặn này cho phép Starstreak có thể tiêu diệt được các phương tiện bay bọc giáp. Một điểm đặc biệt khác của Starstreak là đạn tên lửa đánh chặn có thể đạt tốc độ bay tới Mach 4 tức gấp 4 lần tốc độ âm thanh, nhanh hơn bất kỳ đạn tên lửa MANPADS nào hiện có trên thế giới hiện nay.