Tại Sao Không Có Chiếc Xe Tăng Hiện Đại Nào Trên Thế Giới Được Lắp 2 Nòng Pháo?

Xe tăng là loại xe chiến đấu bọc thép, được trang bị pháo lớn, di chuyển bằng bánh xích được thiết kế cho tấn công và phòng thủ độc lập hoặc cùng các đơn vị chiến đấu khác. Đây là loại xe chiến đấu không thể thiếu của hầu hết các quân đội trên thế giới. Trải qua hàng trăm trận chiến, xe tăng cũng đang ngày càng được cải tiến để phù hợp hơn với yêu cầu của “chiến tranh hiện đại” từ xích, đạn, giáp… thế nhưng vì sao xe tăng vẫn chỉ có một nòng pháo chứ không phải là hai hay nhiều nòng?
Điểm yếu chí tử của chúng bao gồm tầm quan sát của kíp chiến đấu kém, vũ khí đánh gần của xe tăng ít sự cơ động do phụ thuộc vào tốc độ quay của tháp pháo. Những xe tăng kiểu cũ có lớp vỏ giáp trên đỉnh tháp pháo mỏng, không được trang bị vũ khí phòng không đều bất lực trước máy bay cường kích và trực thăng chống tăng của đối phương. Đồng thời, vũ khí của xe tăng không phải là thứ chuyên dụng để chống lại mục tiêu trên không. Do đó để tránh thương vong cho xe tăng, khi tác chiến phải có lực lượng không quân yểm trợ hữu hiệu hoặc lực lượng phòng không đủ mạnh để bảo vệ khoảng không cho xe tăng tác chiến, lực lượng phòng không này vừa phải chống máy bay hiệu quả vừa phải có sức cơ động cao đi kèm xe tăng. Vì thế mà tại các cường quốc quân sự thế giới đã chế tạo các loại xe tăng phòng không trang bị radar và tên lửa, pháo phòng không để đi kèm trong đội hình tấn công của xe tăng-cơ giới.
Nếu không có bộ binh đi cùng thì xe tăng không khác gì một mình bước chân vào bẫy, bộ binh địch ẩn nấp dễ dàng tiếp cận tiêu diệt bằng vũ khí chống tăng vác vai bắn vào các điểm yếu như nóc chỉ huy, bên hông, phía sau, … Xe tăng là vũ khí đắt tiền và nặng nề, cần nhiều chi phí để mua sắm và bảo trì. Nếu nó bị hư hại trên chiến trường thì khó mà sửa chữa tại chỗ mà phải tìm cách kéo về xưởng. Nên việc nghĩ ra các giải pháp cải tiến xe tăng như sử dụng hai hoặc nhiều nòng pháo để gia cố sức chiến đấu, tăng khả năng sống sót cho con “quái vật” này đã trở thành một bài toán hóc búa, tạo ra rất nhiều rào cản mà các nhà kỹ thuật quân sự phải vượt qua.
Và trong thực tế các cuộc chiến tranh trong lịch sử, những chiếc xe tăng có trang bị hai hoặc nhiều nòng pháo đã từng xuất hiện trên chiến trường từ Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Tuy vậy, những nỗ lực trang bị nhiều loại vũ khí trên khung gầm xe tăng đã không mang lại kết quả như mong muốn. Trong những chiếc xe tăng đầu tiên, đại bác hoặc súng máy được “gắn tài trợ” trên thành xe tăng, vì với công nghệ sơ khai sẵn có, một tháp pháo sẽ nâng trọng tâm lên quá cao và khiến xe dễ bị lật. Trên chiến trường khốc liệt của Thế chiến I, điều này thực sự là một cân nhắc rất quan trọng. Điểm cân nhắc thứ hai là xe tăng được thiết kế để hộ tống bộ binh băng qua vùng chiến sự đang bị hỏa lực của đối thủ quét qua, đè bẹp các chướng ngại vật bằng dây và cung cấp hỏa lực bao trùm xuống mỗi bên khi nó vượt qua chiến hào của đối phương. Xe tăng giữa các cuộc chiến đã thử nghiệm với nhiều cấu hình, nhưng xe tăng nhiều tháp nhanh chóng không được ưa chuộng do khó chỉ huy và phối hợp tất cả các loại vũ khí khác nhau cũng như chi phí bị đội lên quá cao của những phương tiện như vậy.
Một minh chứng tiêu biểu là chiếc T-35 huyền thoại của Liên Xô. Nó lắp một khẩu pháo 76mm ở trung tâm tháp pháo và 4 tháp pháo, hai tháp pháo 45mm và hai tháp súng máy. Xe tăng hạng nặng T-35 từng được xem là biểu tượng sức mạnh Hồng quân Liên Xô những năm 1930, dù nó thất bại thảm hại trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II. T-35 là thiết kế xe tăng hạng nặng đa tháp pháo do Cục thiết kế OKMO phát triển từ đầu những năm 1930 cho Hồng quân Xô-viết. Với kiểu dáng khổng lồ, trang bị nhiều ụ pháo khiến nó trông rất hầm hố trong lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ ngày 1/5/1933. Xe T-35 là xe tăng 5 tháp pháo được sản xuất hàng loạt duy nhất trên thế giới. Đây là xe tăng mạnh nhất của Liên Xô vào thập kỷ 1930. Cỗ tăng này còn được gọi là “chiến hạm trên cạn”. Với một pháo 76,2mm và 2 pháo 45mm, cùng các khẩu súng máy, T-35 có thể tung ra hỏa lực như địa ngục về các phía. Tuy nhiên, nó cũng có “gót chân A-sin” khi chỉ huy của xe không thể kiểm soát hiệu quả hỏa lực từ cả 5 tháp pháo. Từng mang trong mình đầy uy lực nhưng vào đầu những năm 1940, xe tăng T-35 đã hoàn toàn lỗi thời. Đây là một con quái vật chậm chạp nặng 58 tấn, với tốc độ tối đa là 14km/h và với lớp giáp mỏng chỉ có 20mm. Do vậy, nó không khác gì con vịt ngồi yên làm mồi cho pháo địch. Đã có 49 xe tăng loại này tham chiến kể từ khi nổ ra cuộc chiến chống lại quân xâm lược của Đệ tam Đế chế. Hầu hết các xe tăng này đều thất bại trong các trận chiến ở Tây Ukraine, mặc dù một số đã tham chiến ở Moscow.
Việc có thêm hai hoặc nhiều nòng pháo sẽ khiến xe tăng gặp một số trở ngại. Thứ nhất là vấn đề không gian bên trong cho phi hành đoàn. Chỉ huy, xạ thủ và người nạp đạn sẽ phải chia sẻ không gian cho một xạ thủ nữa, cùng với lượng đạn có thể nhiều hơn. Không gian chật chội cũng khiến phi hành đoàn khó chịu và khiến việc vận hành các hệ thống khác nhau trong tháp pháo xe tăng trở nên rất khó khăn khi một người phải đợi tín hiệu từ cả hai xạ thủ. Trong thời gian đợi này rất dễ bị tấn công và mất đi tính bất ngờ. Ngoài ra, kính tiềm vọng của xe tăng sẽ cần phải ở khá gần để cho phép các thành viên kíp chiến đấu cùng nhìn thấy. Tuy vậy, việc ở gần kính tiềm vọng cũng mang lại nhược điểm khi họ sẽ không thể bao quát các khu vực quan sát nhất định vì có thể tạo ra nhiều điểm mù hơn. Thứ hai là xe tăng sẽ gặp vấn đề lớn về trọng lượng. Có nòng kép có nghĩa là mỗi khẩu sẽ bắn ít đạn hơn. Càng ít đạn dược thì thời gian hoạt động của xe tăng càng ít. Việc đó đòi hỏi phải trang bị thêm đạn trong khoang bằng cách chế tạo ra những chiếc xe tăng có kích thước to lớn hơn. Chính vì thế mà chúng lại càng cần nhiều giáp để bảo vệ cấu hình khổng lồ của nó, đã nặng lại càng nặng thêm, xe tăng lúc này không khác gì một cục sắt di động khổng lồ và cũng dễ trở thành mục tiêu béo bở trên chiến trường hơn bao giờ hết. Không những thế, trọng lượng nặng sẽ hạn chế khả năng triển khai xe tăng một cách nhanh chóng ra chiến trường.