Sức Mạnh Huỷ Diệt Kinh Hoàng Của RS-28 Sarmat Nga, Khiến Cả Mỹ Và Châu Âu Sống Trong Lo Sợ

Tên lửa RS-28 Sarmat chính là loại vũ khí tấn công chiến lược mà Tổng thống Putin từng tuyên bố chưa có nước nào sở hữu ngoài Nga.
RT dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này vừa thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới RS-28 “Sarmat” từ sân bay vũ trụ Plesetsk vào ngày 20/4.
Kể từ năm 2017 cho đến nay, quân đội Nga đã tiến hành 5 cuộc phóng thử nghiệm tên lửa Sarmat, tất cả đều thành công. Nhiều khả năng trung đoàn tên lửa Sarmat đầu tiên sẽ được Moskva đưa vào biên chế trong năm 2022.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Sarmat là tên lửa đạn đạo liên lục địa uy lực nhất với tầm bắn xa nhất trên thế giới, nó sẽ làm tăng đáng kể sức chiến đấu cho lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Sarmat cũng chính là loại vũ khí chiến lược mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố không nước nào có vũ khí tương tự
Đối thủ lớn nhất của Nga là Mỹ hiện có khoảng 5.800 vũ khí hạt nhân, với 3.800 vũ khí được coi là đang hoạt động. Trong kho dự trữ đó có ít nhất 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) LGM-30 Minuteman III.
Minuteman III được đưa vào sử dụng từ năm 1970, có phạm vi hoạt động hơn 6.000 dặm (khoảng 9.600 km) và độ chính xác trong phạm vi 800 feet (khoảng 0,24 km).
Những tên lửa này có thể mang từ một đến ba đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có đương lượng nổ tối đa là 475 kiloton, hiệu suất gây nổ tối đa là 1,425 megaton. Điều đó có nghĩa là mỗi ICBM của Mỹ có thể mang lại khả năng hủy diệt gấp khoảng 95 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.
Tuy nhiên, những tên lửa này vẫn hoàn toàn bị “lép vế” trước ICBM tiên tiến và mạnh nhất của Nga là Sarmat.
Về thông số kỹ thuật Sarmat có tầm bắn gần 18.000 km và mang theo từ 10 -15 đầu đạn đa đầu hướng tiếp cận độc lập (MIRV) có sức công phá 50 megaton. Nói cách khác, Sarmat có khả năng hủy diệt lớn hơn 35 lần so với Minuteman III.
Thậm chí truyền thông Nga còn mô tả Sarmat là thứ vũ khí có khả năng quét sạch một phần của Trái đất có kích thước bằng bang Texas (Mỹ) hoặc bằng diện tích nước Pháp.
Nhà phân tích quân sự Nga Viktor Litovkin giải thích: “So với thế hệ trước, tên lửa RS-28 Sarmat không chỉ nhẹ hơn mà còn đạt tầm bắn xa hơn. Tên lửa Satan đạt tầm bắn 11.000km trong khi RS-28 Sarmat có thể bắn đến hơn 17.000km. Ngoài ra tên lửa đến mục tiêu bằng cách bay qua cực Nam là nơi không ai ngờ tới và không có hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực đó”.
Thượng tướng Viktor Esin, nguyên chỉ huy các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, đã hãnh diện khoe: “Không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào đang hoạt động hay đang phát triển có thể đánh chặn RS-28 Sarmat”.
Ông giải thích RS-28 Sarmat bay đến mục tiêu với vận tốc siêu thanh, thường xuyên đổi hướng và độ cao nên rất khó đánh chặn.