Shotgun – Vũ Khí Vô Địch Thủ Dưới 50m Mà Ai Cũng Muốn Sở Hữu

Khác với loại súng trường có khương tuyến, súng bắn đạn ghém hay còn được gọi là shotgun là loại súng nòng trơn, thường sát thương mục tiêu bằng loại đạn có cấu tạo bên trong là các viên đạn có kích thước nhỏ hơn.
Có thể bạn chưa biết, cũng như súng trường, súng bắn đạn ghém có tiền thân là loại súng hỏa mai mồi thừng được sử dụng phổ biến trong các đội quân trên khắp thế giới từ thế kỷ 16. Cũng như loại súng bắn đạn ghém hiện đại, súng hỏa mai nòng loe được ưa thích bởi sức sát thương cao, cách sử dụng đơn giản mặc dù thời gian nạp đạn qua đầu nòng súng, điểm hỏa bằng mồi thừng lâu hơn, độ chính xác và tầm bắn thậm chí còn thua xa so với cung tên truyền thống. Nhược điểm chí tử của loại súng hỏa mai trên chiến trường là độ tản mát của đạn rất cao khi bắn mục tiêu ở khoảng cách xa
Cuộc cách mạng thực sự chỉ đến với dòng súng bắn đạn ghém khi những khẩu súng shotgun được tích hợp chức năng bắn liên tiếp được cho ra mắt. Nổi tiếng nhất trong số đó là khẩu AA-12 đến từ Hoa Kỳ. Đây được coi là loại súng mang sức mạnh vượt trội mọi loại súng trường tấn công trong cự ly gần và có khả năng khiến giới quân sự phải viết lại mọi yếu lĩnh về tác chiến cự ly gần. Ở khoảng cách từ 200m đổ xuống, gần như không có mục tiêu nào được an toàn trước một lượng đầu đạn rất lớn đủ sức xé toạc mọi mục tiêu sau các phát bắn. Các cuộc thử nghiệm cũng cho thấy dù có uy lực rất mạnh nhưng độ giật của loại súng này lại rất nhẹ và nóng lên rất chậm ngay cả sau khi bắn liên tiếp ở chế độ tự động với băng đạn 32 viên. Cũng như các khẩu súng bắn đạn ghém truyền thống, súng AA-12 rất dễ bảo quản, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Nhận thức rõ được sức mạnh của dòng súng bắn đạn ghém khi được tích hợp chế độ tự động, người Nga cũng đã cho ra đời dòng súng Saiga-12 hay còn được biết đến tại Việt Nam với cái tên S-12K.
Khác với cách làm của người Mỹ, để tạo ra dòng súng shotgun có khả năng bắn tự động, người Nga chỉ cần dựa trên chính nền tảng của dòng súng AK truyền thống. Cách làm này không những giúp họ tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo dưỡng mà còn tạo ra khẩu súng với tốc độ bắn lý thuyết lên tới 600 phát 1 phút với băng đạn 20 viên. Đây là con số quá khủng khiếp đối với một khẩu súng bắn đạn ghém. Điều đáng tiếc là loại súng bắn đạn ghém này chỉ có thể bắn với độ chính xác cao ở tầm bắn khoảng 45m. Nhược điểm này về sau đã được các kỹ sư người Nga khắc phục khi cho ra biến thể nâng cấp của loại súng bắn đạn ghém này với cái tên Vepr-12 có tầm bắn hiệu quả lên tới 100m. Chính nhờ những ưu điểm vượt trội của mình, các dòng súng bắn đạn ghém có chế độ bắn tự động dần trở thành loại vũ khi được ưa chuộng nhất trong các nhiệm vụ tác chiến không gian hẹp.
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là súng bắn đạn ghém lên đạn kiểu bơm bị bỏ qua. Loại súng này hiện vẫn được ưa dùng trong các lực lượng cảnh sát bởi khả năng linh động, đáp ứng đa dạng các nhiệm vụ khác nhau nhờ vào việc sử dụng các loại đạn khác nhau như đạn sốc điện, đạn cao su đặc, đạn cao su trùm, đạn hơi cay chuyên dụng để trấn áp bạo loạn, giải tán đám đông hay loại đạn rít dùng để dọa các sinh vật. Nhưng độc đáo nhất có lẽ là đạn lưới, chuyên sử dụng để bắt các đối tượng đang bỏ chạy mà không gây thương tích. Thậm chí, ngay trong các lực lượng quân sự, súng bắn đạn ghém có cơ chế lên đạn kiểu bơm vẫn được sử dụng song song cùng súng bắn đạn ghém bắn tự động.Thậm chí, để tăng sức tàn phá của loại vũ khí này, người ta còn phát triển riêng cho chúng những loại đạn nguy hiểm hơn như loại đạn có khả năng phát nổ, văng mảnh khi chạm vào mục tiêu khiến loại súng này không khác gì khẩu súng phóng lựu cỡ nhỏ hay loại đạn cháy với khả năng bắn ra các đường lửa dài nhờ hỗn hợp Zirconium, biến súng bắn đạn ghém trở thành loại súng phun lửa gây cháy rất mạnh. Điều thú vị là, quân đội Việt Nam cũng được cho là đang sở hữu dòng súng bắn đạn ghém Striker có dự trữ đạn lên tới 12 viên. Đây là loại súng bắn đạn ghém do Nam Phi phát triển từ những năm 1980 của thế kỷ trước và hiện tại đang được quân đội các nước Việt Nam, Nam Phi và cả Israel tin dùng.