Những Tử Huyệt Có Thể Biến Tomahawk Từ Tên Lửa Hiện Đại Nhất Thế Giới Trở Thành Đồ Vô Dụng

BGM-109 Tomahawk được coi là một trong các loại tên lửa hành trình nổi tiếng nhất thế giới. Nó không chỉ được sử dụng như một biểu tượng sức mạnh của Mỹ trong các chiến dịch lớn với vai trò là một loại vũ khí phủ đầu đối phương mà sự xuất hiện của nó còn được ví như “sứ giả của thần chết” đem theo những cơn ác mộng tới mọi chiến trường mà nó đã đi qua.
Tên lửa Tomahawk đã được phục vụ trong Quân đội Mỹ kể từ năm 1983, trong 30 năm qua, nó không ngừng được cải tiến và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, đến nay đã có nhiều biến thể, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng đi từ các hệ thống phóng mặt đất, chiến hạm hoặc tàu ngầm trên biển. Tầm bắn của nó có thể đạt tới 2500 km. Khoảng cách xa như vậy đã vượt quá phạm vi đánh chặn của tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa chống hạm thông thường lúc bấy giờ. Các chuyên gia quân sự đánh giá rằng Tomahawk là thứ vũ khí mang tính bước ngoặt thay đổi quy luật của chiến tranh hiện đại
Mặc dù, tên lửa hành trình Tomahawk đã được cải tiến nhiều lần, có hiện đại và nổi tiếng đến đâu thì sau tất cả, nó vẫn là tên lửa của những thập kỷ cũ, vẫn tồn tại một loạt các điểm yếu chí tử và nhất là không thể nào khắc phục được. Tử huyệt đầu tiên của Tomahawk đó chính là tốc độ. Dù nó sở hữu vận tốc lên tới 800 km/h tương đương với vận tốc của một máy bay chở khách thông thường nhưng các nhà phân tích cho rằng, tốc độ này vẫn là quá chậm khiến nó có thể dễ dàng bị đánh chặn. Nếu được phóng đến mục tiêu ở cự ly khoảng 1.000 km thì dù bay ở tốc độ cực đại thì khoảng hơn một giờ sau nó mới tiếp cận được mục tiêu. Với bằng đấy thời gian thì tôi nghĩ rằng, đối thủ của Mỹ thừa sức để triển khai một lưới lửa phòng không đơn giản mà hiệu quả. Thêm vào đó là chiến thuật phóng một lúc nhiều tên lửa hành trình Tomahawk với quỹ đạo bay đồng loạt giống nhau khiến việc vô hiệu hóa chúng sẽ trở nên dễ dàng hơn khi đối phương có đủ thông tin tình báo và thời gian để thiết lập một hệ thống phòng không nhiều tầng.
Không những tốc độ không cao mà Tomahawk còn bay cực kỳ thấp khiến cho việc tiêu diệt chúng lại càng trở nên dễ dàng, nhất là khi Nga và các đối thủ của Mỹ đang sở hữu những hệ thống phòng thủ vô cùng đáng gờm như hệ thống S-400 Triumf. Nhưng tại sao nó lại bay thấp như vậy? Nó bay thấp là để tránh sự phát hiện của radar đối phương. Nhưng khi tên lửa bay thấp thì radar máy chủ cũng không thể theo dõi, nên nó được binh sĩ thực hiện theo chiến thuật “bắn và quên’’, nghĩa là khi đã rời bệ phóng thì bản thân tên lửa phải tự xoay sở lấy. Tomahawk phải bay theo quỹ đạo lập trình sẵn và có tự hiệu chỉnh phần nào nhưng nhìn chung nó bay thấp và quỹ đạo ít cơ động nên rất dễ đón lõng. Cho dù có thể dễ dàng thoát lưới phòng không hiện đại vì các loại radar không bắt được nhưng nó sẽ không thể nào thoát khỏi tai mắt con người. Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng chỉ cần một phát súng bộ binh Ak -47 thôi là cũng đủ để tiêu diệt Tomahawk.
Và không chỉ dựa vào việc Tomahawk bay chậm và bay thấp mà ta còn có thể lập kế hoạch để đánh vào tử huyệt của nó thông qua hệ thống dẫn đường – thứ khiến cho tên lửa hành trình của Mỹ không thể hoạt động được khi phải tìm mục tiêu ở các khu vực phức tạp. Cơ chế dẫn đường tốt nhất của nó là TERCOM. Cơ chế này đòi hỏi các bản đồ vệ tinh về đường bay và mục tiêu cần phải nạp sẵn vào hệ thống máy tính của tên lửa trước khi nó được phóng đi. Tuy nhiên ở những khu vực hoang vu hẻo lánh, ảnh vệ tinh thường có độ nét không cao, thời gian cập nhật lâu và có sai số lớn so với thực tế. Chính điều đó có thể khiến cho các quả tên lửa Tomahawk bay nhầm đường do thông tin tình báo từ các hình ảnh vệ tinh sai dẫn đến các tham số về tọa độ, góc bay sai so với thực tế và khiến cho quả tên lửa trị giá triệu đô này không bao giờ đến được mục tiêu. Tiếp theo là cơ chế dẫn đường bằng GPS. Dù chúng được đánh giá là đơn giản, đáng tin cậy và đã có rất nhiều loại vũ khí sử dụng phương thức này hiệu quả. Nhưng trong điều kiện chiến đấu thực tế, bởi tên lửa hành trình hiệu chỉnh quỹ đạo theo tín hiệu GPS nên đối thủ vẫn có thể tạo ra một hành lang gây nhiễu ở nơi dự kiến Tomahawk bay qua. Tên lửa sẽ nhận sai quỹ đạo, mất tín hiệu dẫn đường từ vệ tinh và làm cho nó bay liên tục đến bao giờ hết nhiên liệu sẽ tự rơi. Khi nhìn ra được tất cả những điều này, từ việc Tomahawk bay vừa chậm vừa thấp, lại còn dễ bị gây nhiễu thì binh lính Mỹ đã không còn dám cho vũ khí của mình bay vào vùng có địa hình đồi núi phức tạp nữa. Vì như thế không khác gì tự chui đầu vào rọ.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tử huyệt cuối cùng của Tomahawk khi giá thành luôn là thứ làm đau ví quân đội Hoa Kỳ mỗi khi quyết định sử dụng chúng trong bất kỳ chiến dịch nào. Tên lửa hành trình Tomahawk thực sự có đơn giá quá cao, lên tới 1,87 triệu USD cho mỗi quả theo thời giá vào năm 2016. Chính vì vậy, để sử dụng loại tên lửa này một cách có lãi cần đòi hỏi nguồn tin tình báo chính xác để có thể tiêu diệt được các mục tiêu giá trị cao của đối phương.