HIMARS Mỹ Đối Đầu BM-30 Smerch Nga, Ai Mới Là Vị Vua Đích Thực?

Từ năm 1987, bất chấp tình hình quốc gia đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện khó lòng thể cứu vãn, nhưng trước nguy cơ các thế hệ pháo phản lực tiền nhiệm BM-21 Grad, 9A52-4 Tornado đã tỏ ra quá cổ lỗ sĩ và lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu cực kỳ khắt khe của quân đội trước nguy cơ một cuộc chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào; chính quyền Liên Xô vẫn quyết định trang bị cho quân đội nước này dòng pháo phản lực BM-30 Smerch(cơn lốc) với các tính năng kỹ chiến thuật vượt trội không chỉ so với các thế hệ tiền nhiệm mà thậm chí vào thời điểm dòng pháo phản lực phóng loạt này được ra mắt, chưa ở đâu trên phần còn lại của thế giới có thể cho ra đời một loại vũ khí lục quân nào khác có được sức mạnh đạt tới mức gần tiệm cận với loại vũ khí trên.
Thậm chí cho đến tận ngày nay, BM-30 Smerch vẫn vững vàng trong hàng ngũ những loại vũ khí hạng nặng có sức hủy diệt hạng nặng uy lực nhất trong kho vũ khí phi hạt nhân của quân đội Nga. Có thể bạn chưa biết, ngay cả hệ thống pháo phản lực Tornado-S mạnh nhất của Nga hiện nay thực ra cũng chỉ là phiên bản hiện đại hóa sâu của dòng BM-30 Smerch và đang trong quá trình thử nghiệm. Thật vậy, những lời tán thưởng về uy lực của bão lửa BM-30 Smerch chưa bao giờ bị coi là những lời phóng đại bởi trước 12 ống phóng 300mm cùng loại đạn 9M55 tiêu chuẩn dài 7,6m và nặng 800kg của BM-30 Smerch, không một sinh vật nào trong khoảng diện tích 67ha có thể tồn tại. Các hệ thống pháo phản lực này uy lực đến mức theo nhiều chuyên gia, trong một trận đánh quy ước quy mô cấp chiến thuật với sự tham gia của hàng chục sư đoàn , chỉ cần sự xuất hiện của một tiểu đoàn Smerch trên chiến trường cũng có thể tạo ra lợi thế lớn đến mức giúp bên sử dụng loại vũ khí này hoàn toàn làm chủ được tình hình bởi hệ tầm bắn 70km khi sử dụng loại đạn tiêu chuẩn và 90km khi sử dụng loại đạn tên lửa tăng tầm 9M528 là vượt quá tầm so với các loại pháo xe kéo, pháo tự hành thông thường chỉ có tầm bắn tối đa thường chỉ đạt tới 40km. Ngoài ra, khả năng phóng toàn bộ loạt đạn 12 rocket chỉ vỏn vẹn 3 phút cùng tốc độ chuyển đổi qua lại giữa trạng thái hành quân và trạng thái khai hỏa chỉ trong 38 giây cũng khiến mọi nỗ lực thiết lập hệ thống phòng thủ hoặc di tản các đơn vị bộ binh, xe cơ giới gần như sẽ là vô ích. Thậm chí, ngay cả khi mục tiêu có là các đơn vị bộ binh cơ giới hóa cao độ hoặc các đội hình tăng thiết giáp hùng hậu, việc giáng những cơn bão lửa nhằm xé nát các đội hình của chúng cũng không lấy gì làm khó khăn đối với các dàn pháo BM-30 Smerch bởi hầu hết các quả đạn rocket được dùng cho dàn pháo phản lực này đều được tích hợp hệ thống hiệu chỉnh đường bay và tầm bắn kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực tự động Vivari tiên tiến khiến độ chính xác của các loạt đạn phóng ra của BM-30 là cực cao, giúp triệt tiêu toàn bộ nhược điểm về độ chính xác của các thế hệ pháo phản lực tiền nhiệm. Ngoài ra, BM-30 có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm nổ mảnh (HEF) để tiêu diệt các đơn vị bộ binh hoặc bộ binh cơ giới hóa với trụ cột là những cỗ xe chở quân hạng nhẹ; đạn nhiệt áp (FAE), đạn cháy chuyên dùng để tạo ra các vụ hỏa hoạn khổng lồ, cực kỳ khó dập giúp làm tăng phạm vi tàn phá đối với mục tiêu là các đoàn xe hậu cần, các khu đô thị hay các bãi tập kết, kho chứa quân trang, quân dụng và loại đạn chùm có khả năng chống bộ binh hoặc chống tăng, cũng như đạn chống tăng tự dẫn.
M142 HIMARS do Hoa Kỳ sản xuất. Ra đời năm 1990, Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao M142 là phiên bản hiện đại hóa với khả năng cơ động vượt trội so với dòng pháo M270 MLRS được phát triển vào những năm 1970 cho lực lượng Mỹ và đồng minh. Pháo phản lực HIMARS M142 điển hình có chiều dài 7 mét, chiều rộng 2,4 mét và chiều cao 3 mét, trông gọn gàng hơn hẳn so với đối thủ đến từ Nga có chiều dài lên tới 12m. Nhưng cũng như BM-30 Smerch, HIMARS chỉ cần 3 người vận hành và duy trì hệ thống. Trong một vài phút, người vận hành có thể rời đi và thay thế tên lửa đã sử dụng bằng một tên lửa mới. Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, HIMARS được trang bị để phóng tất cả các loại đạn của pháo phản lực đa nòng và loại tên lửa tiêu chuẩn được trang bị trên HIMARS có tầm bắn tới 84 km, cũng gần tương đương với BM-30 Smerch khi sử dụng loại rocket 9M528. Dù nhỏ nhắn, nhẹ nhàng hơn nhưng trong khi bão lửa BM-30 Smerch được trang bị tới 12 ống phóng tên lửa thì hệ thống HIMARS tiêu chuẩn chỉ được trang bị 6 tên lửa dẫn đường bằng định vị GPS cỡ nòng 227 mm. Điều này khiến khả năng duy trì hỏa lực khi tấn công theo đội hình lớn của HIMARS có phần thua kém so với BM-30 Smerch nhưng cũng có thể coi đây là ý đồ của nhà sản xuất khi đánh đổi hỏa lực lấy khả năng cơ động. Thật vậy, hệ thống HIMARS có lợi thế về tốc độ của xe chở pháo, hệ thống này không chỉ có thể tiến nhanh với tốc độ lên tới 85km/h đến vị trí khai hỏa mà còn cho phép kíp lái đồng thời lập trình các mục tiêu cần tấn công trong lúc di chuyển đến đó, khiến thời gian di chuyển của hệ thống không bị biến thành thời gian chết. Bên cạnh đó, khả năng phóng toàn bộ loạt đạn 6 quả rocket một lúc chỉ trong 1 phút của HIMARS cùng 90kg chất nổ trong mỗi quả rocket cũng phần nào giúp loại vũ khí này bù đắp được khoảng cách về uy lực so với hệ thống pháo phản lực 12 nòng đến từ Nga. Trong các nhiệm vụ tấn công quấy rối theo kiểu đánh nhanh rút gọn hoặc công phá các tuyến giao thông nằm sâu sau phòng tuyến đối phương, thời gian nạp đạn và ngắm bắn chỉ trong khoảng 6 phút của HIMARS cũng đem lại lợi thế rất lớn cho hệ thống pháo phản lực của Mỹ so với dòng BM-30 Smerch phải mất từ 30-40 phút để hoàn thành tất cả các khâu từ nạp đạn đến ngắm bắn. Việc mất quá nhiều thời gian cho các công đoạn phụ trợ sẽ là cực kỳ nguy hiểm đối với các loại pháo phản lực khi được sử dụng trong các nhiệm vụ tập kích, nhất là tại địa điểm nhiều khả năng vẫn còn quân địch đang ẩn nấp.
Có thể nói, nhờ hỏa lực mạnh, tầm bắn xa và độ chính xác cực cao, cả BM-30 Smerch và HIMARS đều xứng đáng là những hệ thống pháo phản lực mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, do được phát triển tại 2 siêu cường với sự khác biệt rõ rệt về học thuyết quân sự cũng như đường hướng chế tạo vũ khí, cả 2 loại vũ khí này đều có những ưu điểm riêng, thích hợp với từng loại chiến thuật nhất định. Nếu như HIMARS với lợi thế nhỏ gọn, cơ động cao, đa năng được xem là vũ khí hoàn hảo trong các nhiệm vụ tấn công, tập kích các tuyến hậu cần phe địch cũng như là loại vũ khí yểm trợ vô cùng đắc lực trong đội hình phòng thủ thì hệ thống pháo phản lực 12 ống phóng BM-30 Smerch với khả năng bắn dồn dập cùng đủ các loại đầu đạn từ xuyên phá đến văng mảnh, nhiệt áp lại hoàn toàn vượt trội HIMARS trong các trận đấu pháo. BM-30 Smerch cũng tỏ ra thích hợp hơn cho các nhiệm vụ tấn công phủ đầu, tiêu diệt và làm tan rã các nhóm binh lính, hủy diệt các thành phố, làng mạc cũng như các căn cứ quân sự. Điều đó cũng có nghĩa là việc loại pháo phản lực nào có thể trở thành những cơn ác mộng thực sự trên chiến trường còn phụ thuộc vào trình độ chỉ huy hiệp đồng tác chiến với những đơn vị khác cũng như phẩm chất, mức độ chuyên nghiệp của từng binh lính-những người trực tiếp thao tác với loại vũ khí này.