GRU – “Cánh Tay Ngầm” Đắc Lực Của Ông Putin

Là một chi nhánh trong bộ máy an ninh và tình báo đồ sộ của Nga, GRU-cơ quan Tình báo quân đội Nga, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga được tạo ra với sứ mệnh không chỉ “đảm bảo các điều kiện có lợi cho việc thực thi thành công chính sách quốc phòng và an ninh của Liên bang Nga” mà còn “cung cấp các sĩ quan tình báo” trong các lĩnh vực họ cần như chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học, công nghệ và môi trường.
Dù chưa mang cái tên GRU nhưng về mặt kỹ thuật, có thể coi tiền thân của GRU ra đời từ tháng 11/1918 sau khi Hội đồng Quân sự Cách mạng Cộng hòa (RVSR) phê chuẩn biên chế của Bộ Chỉ huy Chiến trường thuộc RVSR, bao gồm Cục quân báo với chức năng điều phối các nhánh và cơ quan tình báo, chuẩn bị thông tin tình báo cho Bộ Chỉ huy Chiến trường của Hồng quân Liên Xô. Cục Quân báo trở thành cơ quan trung ương đầu tiên của phản gián quân sự và ngày 5/11/1918, được coi là ngày thành lập của ngành tình báo quân sự Liên Xô. Đến tháng 2/1921, để tạo ra một cơ quan chỉ huy duy nhất các lực lượng vũ trang, Bộ Chỉ huy Chiến trường RVSR mới được hợp nhất với Bộ chỉ huy toàn Nga thành Bộ chỉ huy của Hồng quân. Thế nhưng phải đến tháng 6-1942, Cục Thu tin nâng cấp thành Cơ quan Tình báo quân sự (GRU). Năm 1947, Chủ tịch Liên Xô J. Stalin hợp nhất các cơ quan tình báo thành một cơ quan duy nhất của Ủy ban Thông tin. Cục quân báo trở thành một phần của thực thể mới được hình thành này. Sau đó, Ủy ban Thông tin bị giải thể và GRU được cơ cấu thành một bộ phận thuộc Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô.
Năm 1991, GRU trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Người đứng đầu GRU là Phó tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên Xô về tình báo. Khi mới thành lập, lực lượng đặc nhiệm GRU bao gồm một số đại đội độc lập, mỗi đại đội lên tới 120 người và đến giữa năm 1951 đã có 46 đại đội như vậy. Năm 1962, các đơn vị này đã được hợp nhất thành các lữ đoàn. Năm 1979, GRU đã có 14 lữ đoàn trực thuộc các quân khu, gần 30 đại đội độc lập trực thuộc bộ và tập đoàn quân, trở thành một trong những cơ quan tình báo có quy mô bậc nhất thế giới thời đó. Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của nhân dân Liên Xô, các cán bộ chiến sĩ GRU đã lập được nhiều chiến công xuất sắc vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thế giới, bất chấp việc có thời gian, một số thông tin quý giá từ phía họ không được các lãnh đạo cấp cao coi trọng. Trong những vụ việc đáng tiếc đó phải kể đến Richard Sorge – Tình báo Liên Xô lúc này đang trong vai thư ký Báo chí tại Đại sứ quán Đức ở Tokyo. Số là vài tháng trước khi chiến tranh nổ ra, ông đã cảnh báo giới lãnh đạo Liên Xô về cuộc tấn công của phát xít Đức. Tuy nhiên, kể từ năm 1937, bản thân Sorge bị nghi ngờ, những thông tin tình báo được ông cung cấp và các thông tin của điệp viên này bị cho là “khiếm khuyết về mặt chính trị”.
Đến ngày 19 tháng 5, Sorge thậm chí đã gửi thông tin chi tiết về 9 đạo quân trong tổng số 150 sư đoàn Đức đang tập trung ở biên giới Ba Lan. Dữ liệu thu được trong một cuộc trò chuyện bí mật với 1 đặc phái viên từ Berlin. Tuy nhiên ông không phải là sĩ quan tình báo Liên Xô duy nhất cảnh báo về hiểm họa chiến tranh. Điều đáng buồn là Stalin vẫn không để ý tới thông tin này và thủ phạm chính là người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu F.I. Golikov, dù đứng đầu bộ phận tình báo nhưng lại cố tình giải thích thông tin tình báo với Stalin theo cách tương ứng với quan điểm của Stalin về ý định của Hitler. Số là Stalin đến tận 1 tháng trước khi Đức phát động chiến dịch Barbarossa vẫn tin rằng cho đến trước khi Vương quốc Anh Bị đánh bại, Hitler sẽ không có nguy cơ mở mặt trận thứ hai chống Liên Xô. Chính vì cách làm việc này mà sau này, Golikov đã bị Tổng bí thư Liên Xô Khrushchev mỉa mai là kẻ chỉ báo cáo những gì mà lãnh đạo muốn nghe.
Đến năm 1941, một điệp viên khác của GRU là Gurevich đã thông báo trước về kế hoạch tấn công của quân Đức ở Kavkaz và Stalingrad, giúp Hồng quân Liên Xô có được lợi thế chiến lược trong việc chuẩn bị phòng thủ, đẩy lùi các cuộc tấn công dồn dập của Đức Quốc Xã, tạo nên cuộc chiến đảo triều vĩ đại nhất thế kỷ 20. Từ lúc này trở đi, GRU liên tiếp lập thêm các chiến công hiển hách cho nhà nước Liên Xô, khiến tổ chức này ngày càng tạo niềm tin nơi các lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước Xô Viết. Những thông tin rất chính xác và kịp thời được cung cấp từ phía các đặc vụ GRU đặc biệt đã giúp các tướng lĩnh cao cấp Liên Xô nắm bắt sớm ý đồ tác chiến và đề ra phương án đối phó hiệu quả với quân Đức đến mức một số tướng lĩnh Đức đã phải thốt lên rằng:”mỗi khi chúng tôi tấn công vào đâu, những chiếc T-34 đã đứng chờ sẵn ở đó, phía Liên Xô như thể biết chính xác mọi hành động của chúng tôi”. Đến năm 1945, sau khi phát xít Đức đầu hàng, các cường quốc châu u trở nên suy yếu trầm trọng sau chiến tranh và đối thủ duy nhất xứng tầm của Liên Xô lúc này chỉ có Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình báo trong tình hình mới, đến tháng 6 năm 1945, liên quan đến các nhiệm vụ mới, cục tình báo (RU) của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân và Cục tình báo trung ương (GRU), trực thuộc Bộ Quốc phòng, được hợp nhất thành Cục tình báo trung ương (GRU) của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân. Trung tướng F.F. Kuznetsov được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục tình báo quân sự mới. Không chỉ cung cấp cho nhà nước Xô-Viết những thông tin tối mật về đường hướng, chiến lược, chiến thuật quân sự của kẻ thù cũng như các quốc gia đồng minh, Các tài liệu kỹ thuật vô cùng quan trọng về các loại vũ khí, khí tài được GRU gửi về cũng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp Liên Xô thu hẹp khoảng cách về trình độ kỹ thuật với các quốc gia phương tây, làm tiền đề đưa quân đội Liên Xô trở thành một trong 2 lực lượng quân sự hùng mạnh nhất lịch sử nhân loại.
Ngày nay, lực lượng đặc nhiệm GRU với cơ cấu tinh gọn, đào tạo bài bản, nhanh nhẹn cùng khả năng phối hợp hành động nhuần nhuyễn, sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí, trang thiết bị quân sự. Điểm khác biệt chủ yếu của lực lượng đặc nhiệm với các lực lượng khác, đó là công tác huấn luyện. Lính đặc nhiệm GRU phải trải qua một chương trình huấn luyện với cường độ cực cao và mỗi quân nhân có một giáo án huấn luyện riêng. Các binh sĩ có chế độ tập luyện rất khắc nghiệt; với các bài tập về thể lực, tâm lý, ngụy trang, cứu thương… cũng như khả năng cơ động và phản xạ. Lực lượng đặc nhiệm GRU cũng được trang bị các loại vũ khí cực kỳ hiện đại cùng với những phương tiện chiến đấu công nghệ cao để đáp ứng tình hình mới trong thời đại kỹ thuật số. Gru cũng bị phương Tây gán cho là tác giả của các vụ tấn công mạng quy mô lớn trên khắp thế giới và có dấu hiệu tác động vào hoạt động của một số chính trị gia phương tây bất chấp sự phủ nhận của chính quyền Moscow. Dù từng bị chỉ trích gay gắt về mức độ hiệu quả trong cuộc chiến với Gruzia năm 2008 nhưng sau các đợt cải cách toàn diện, GRU ngày càng chứng minh vị thế của một lực lượng tình báo hùng hậu nhất thế giới, trở thành con bài ưa thích của tổng thống Vladimir Putin.