4 Lớp Tàu Ngầm Hạt Nhân – Lá Bài Tủ Dưới Lòng Đại Dương Của Nga

Có thể bạn chưa biết, ngay từ những năm đầu tiên khi cuộc chiến tranh lạnh diễn ra giữa Liên Xô và các quốc gia phương Tây, Liên Xô với tiềm lực kinh tế có phần hạn chế hơn đã nhanh chóng nhận rằng họ chỉ có thể phát triển năng lực của các tàu chiến mặt nước đến mức đủ sức tạo nên một bức tường phòng thủ trên biển, giúp ngăn chặn các nỗ lực nhằm tấn công, xâm nhập từ hướng biển vào cùng lãnh thổ lên đến 22,4 triệu km2 của mình. Tuy nhiên, các lãnh đạo Liên Xô thời đó còn muốn nhiều hơn thế, thay vì ngồi yên chịu trận, họ muốn sở hữu một loại vũ khí có thể vươn đến sát bờ lãnh thổ các cường quốc phương Tây, giúp tạo thế cần bằng chiến lược, thường được biết đến với tên gọi “học thuyết huỷ diệt lẫn nhau”. Từ đó các tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân với tầm hoạt động không giới hạn bởi bất kỳ điều gì( ngoại trừ lượng thực phẩm dự trữ cho thuỷ thủ đoàn trên tàu), khả năng xâm nhập bí mật vào bất kỳ vùng lãnh thổ nào, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào trong khi không phải chịu sự ngăn cản của hàng chục hạm đội vũ trang dày đặc đã nổi lên như một thứ vũ khí duy nhất đủ khả năng đáp ứng một cách hoàn hảo các yêu cầu của Liên Xô.
Năm 2008, Hải quân Nga lại bắt đầu kế hoạch tái cấu trúc các đơn vị tàu ngầm. Thế nhưng, cái bóng của siêu cường Liên Xô 1 thời vẫn là quá lớn để Nga có thể vượt qua. Các mẫu vũ khí hải quân, kể cả các lớp tàu ngầm mới của Nga thực chất vẫn chỉ là biến đổi, nâng cấp dựa trên nền tảng sẵn có của các mẫu thiết kế từ thời Liên Xô. Thậm chí, tàu ngầm hạt nhân Akula (trong tiếng Nga có nghĩa là cá mập) được đưa vào hoạt động từ năm 1981 đến nay vẫn được xem là 1 trong những lớp tàu ngầm có sức răn đe cực lớn mà Nga đang sở hữu, mang sức mạnh vượt trội so với đối thủ của nó là lớp Ohio do Mỹ phát triển. Mang trong mình kích thước ấn tượng với chiều dài 175m, rộng 23m, chiều cao 12m, Tàu có lượng choán nước đầy tải là 48.000 tấn, tốc độ di chuyển dưới nước khoảng 46 km/giờ, cũng như có thể hoạt động độc lập trong 6 tháng với thủy thủ đoàn 160 người. Vì vậy, ngay từ khi ra đời, lớp tàu ngầm Akula nghiễm nhiên trở thành lớp tàu ngầm có kích thước lớn nhất thế giới vào thời điểm nó được ra mắt. Dù mang trong mình kích thước khổng lồ nhưng điều đó gần như không biến con quái vật này trở thành loại vũ khí cồng kềnh, cục mịch mà ngược lại, nhờ được lắp 2 lò phản ứng hạt nhân, 2 turbin cho tổng công suất 254 MegaWat, tàu có thể di chuyển với tốc độ hơn 40km/h khi nổi và có thể tăng tốc lên tới 50km/h khi lặn. Thế nhưng, điều đáng sợ đối với bất kỳ thế lực nào trước sự xuất hiện của chiếc tàu ngầm hạng nặng của Liên Xô chủ yếu là bởi chúng có khả năng mang tới 20 tên lửa R-39 (RSM-52)- loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nó có một động cơ đẩy 3 tầng dùng nhiên liệu rắn kèm theo một động cơ đẩy tạo gia tốc ban đầu dùng nhiên liệu lỏng và mang tới 4 đầu đạn đa mục tiêu MIRV, có tầm bắn tới 8.300km. Đặc biệt, khi tiếp cận mục tiêu, phần đầu đạn của tên lửa được chia thành 10 đầu đạn dẫn đường riêng lẻ, san đều sức công phá tới 100 kiloton của đầu đạn lên 1 bề mặt cực rộng lớn. Có thể bạn chưa biết, 1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT và quả bom nguyên tử Little boy Mỹ ném xuống Hiroshima chỉ có công suất từ 16-18 kiloton. Vì vậy, 1 tàu ngầm Akula mang đầy đủ tên lửa đạn đạo R-39 dù không phải là thứ vũ khí có thể thổi bay 1 lục địa như nhiều người gán cho nó nhưng sức công phá của 20 tên lửa R-39 mang đầu đạn hạt nhân vẫn hoàn toàn đủ sức xoá sổ gần như mọi sự sống trên một vùng lãnh thổ có diện tích tương đương với Nhật Bản cũng như khiến những quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ cũng phải gánh chịu tổn thất đến mức vĩnh viễn không thể phục hồi. Không những thế, để tự bảo vệ mình trước các lực lượng săn ngầm của đối phương, tàu ngầm Akula còn có thể mang theo 22 ngư lôi các loại và 8 tổ hợp tên lửa phòng không Igla, đủ sức tấn công các loại trực thăng, phi cơ săn ngầm trong những trường hợp khẩn cấp. Điều thú vị là tàu ngầm Akula cũng là một trong những phương tiện hiếm hoi của Liên Xô được đánh giá cao về mức độ tiện nghi khi có cả phòng thư giãn, phòng tập thể dục, bể bơi, khu vực tắm nắng, phòng tắm có xông hơi, góc sinh hoạt, các buồng dành cho sĩ quan và thủy thủ.
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Borei, được coi là mối nguy lớn nhất đối với hải quân Mỹ. Là lớp tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Nga chế tạo kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Borei có kích thước nhỏ bé hơn tàu ngầm hạt nhân Akula rất nhiều với chiều dài chỉ 170m,rộng 13,5m, lượng choán nước khi lặn là 24.000 tấn và 14.720 tấn khi nổi. Thế nhưng kích thước nhỏ hơn không có nghĩa là khả năng chiến đấu yếu kém hơn. Nhờ được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân OK-650B có công suất 190 megawatt, tàu ngầm Borey có thể đạt vận tốc tới 27,5 km/h và 53,5 km/h khi chạy ngầm. Tàu có thể lặn sâu tối đa tới 480m cùng thuỷ thủ đoàn 107 người. Theo nhiều chuyên gia, chính thiết kế nhỏ gọn lại giúp các tàu ngầm Borei tạo nên lợi thế đáng kể so với lớp Akula trước đó khi giúp làm giảm độ ồn đáng kể, giúp tàu ngầm hạn chế các tình huống bị đối phương phát hiện khi đang thực hiện các nhiệm vụ do thám, xâm nhập vào lãnh thổ đối thủ. Ngoài ra, tàu cũng sử dụng các bánh lái ở đuôi và các cánh ổn định ngang giống như tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Ohio của Hải quân Mỹ, giúp tăng tính ổn định trong quá trình di chuyển của tàu. Để tăng khả năng do thám, trinh sát các mục tiêu, tàu ngầm lớp Akula cũng được tích hợp các hệ thống Sonar với công nghệ tiên tiến nhất hiện có của Nga- thực chất là một hệ phức hợp các thiết bị số, cung cấp tính năng liên lạc, thu nhận và dò tìm mục tiêu và 1 loạt các chức năng phụ trợ, cho phép tàu Borei có thể truy vết tàu chiến đối phương ở cự ly xa hơn mức của các tàu ngầm lớp Virginia của hải quân Mỹ tới 50%. Sở dĩ các tàu ngầm hạt nhân lớp Borei được coi là mối nguy lớn nhất đối với sự tồn tại của Mỹ và các quốc gia NATO là bởi mỗi chiếc tàu ngầm Borei có thể mang theo tới 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa R-30 Bulava ưu việt hơn rất nhiều so với R-29. Trong đó, mỗi quả tên lửa R-30 Bulava với chiều dài lên tới 12,1m, trọng lượng 36,8 tấn cho tầm bắn lên tới 8000km (gần bằng khoảng cách từ Vladivostok đến bờ biển bang California- Hoa Kỳ).
Ngoài, các tàu ngầm lớp Kilo nhờ khả năng chạy cực êm và hiệu quả chiến đấu cao được biết đến danh xưng hố đen giữa lòng đại dương, được quân đội Nga và nhiều quốc gia khác đặc biệt tin dùng cho các nhiệm vụ chống tàu mặt nước, chống ngầm, trinh sát và tuần tiễu. Được xếp vào nhóm các tàu ngầm chạy diesel hạng trung , các tàu ngầm Kilo có kích thước tương đối nhỏ với chiều dài gần 74 m, rộng 10m, lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ (37 km/h), lặn sâu tối đa 300m, có thể hoạt động độc lập 45 ngày đêm cùng thủy thủ đoàn 52 người. Là loại tàu ngầm đã không ít lần gây khó chịu cho các quốc gia NATO nhờ khả năng tàng hình vượt trội, Kilo có khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương ở khoảng cách gấp 3-4 lần so với bị tàu đối phương phát hiện ra nó và tấn công phủ đầu hoặc quấy phá bằng 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, tên lửa chống tàu Club-S, kèm 24 thuỷ lôi hoặc 8 tên lửa 9K38 Igla. Không những thế, khả năng phát ra tiếng ồn cực thấp cũng cho phép bên sử dụng loại tàu ngầm này có thể dễ dàng tiến hành các cuộc chiến tranh phi đối xứng bằng cách bí mật tấn công các tàu chở hàng, giăng bẫy thuỷ lôi ở các bến cảng, gây tổn thất lớn cho các đối thủ có tiềm lực vượt trội. Thậm chí, tàu Kilo còn sở hữu năng lực tác chiến chống tàu sân bay khi có thể mang theo loại tên lửa chống tàu Club-S mang đầu đạn 400kg, tầm bắn lên đến 300 km. Nhờ dàn vũ khí mạnh mẽ cùng khả năng ẩn thân vượt trội, tàu ngầm diesel hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành loại vũ khí phi hạt nhân nguy hiểm bậc nhất thế giới khi có thể bí mật tấn công, quấy phá hoặc đánh chớp nhoáng, tạo ra các thiệt hại khủng khiếp cho bất kỳ quốc gia nào, khiến các đối thủ phải dè chừng trước khi có ý định gây hấn.
Thế nhưng, Kilo vẫn là chưa đủ để thỏa mãn tham vọng vượt xa với phần còn lại của thế giới về công nghệ tàu ngầm, cho dù đó có là những lớp tàu ngầm diesel điện hay tàu ngầm phi hạt nhân. Đặc biệt, đối với loại tàu ngầm lớp DIesel điện, người Nga còn có trong tay các tàu ngầm lớp Lada với các tính năng hoàn toàn vượt trội so với Kilo. Trên thực tế, hành trình phát triển loại tàu ngầm thế hệ mới này của người Nga không hề diễn ra suôn sẻ. Số là sau khi chứng kiến những thử nghiệm không mấy thành công của loại tàu ngầm thế hệ 4 vào năm 2010, người Nga buộc phải quay về với mẫu Kilo và nâng cấp chúng với cái tên “Tàu ngầm ngư lôi diesel-điện lớp “Kilo” dự án 636 Varshavyanka”, trở thành cầu nối giữa lớp Kilo và Lada. Có thể bạn chưa biết, đây chính là loại tàu ngầm Hải quân Việt Nam đang sở hữu, có sức răn đe vượt xa so với phiên bản tàu Kilo cũ nhờ khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình đối đất 3M-14E. Đây là loại tên lửa đối đất cực kỳ lợi hại, một đòn tiến công tàng hình từ dưới mặt nước, rất khó bị phát hiện và đánh chặn. Hiện nay, đại đa số lực lượng hải quân các nước trong khu vực Đông Nam Á (và cả Trung Quốc) đều không có tàu ngầm nào có uy lực tấn công đối đất như tàu Kilo 636MV. Bất chấp những ưu điểm của mình, trong thời gian tới, các tàu ngầm lớp Kilo vẫn sẽ bị người Nga thay thế bằng các tàu ngầm thế hệ mới mang tên Lada. Được biết, đây là loại tàu ngầm được thiết kế nhỏ hơn Kilo với lượng choán nước 1750 tấn và tốc độ vẫn ở mức hơn 37km/h nhằm làm tăng khả năng lẩn tránh vốn đã làm rất tốt trên các thế hệ Kilo trước đây. Các nâng cấp đáng kể của lớp Lada phải kể đến như khả năng tự động hoá, các biện pháp khử từ tính và tiếng ồn kèm tính năng cung cấp động lực không phụ thuộc vào không khí ngoài(AIP) giúp tăng khả năng hoạt động liên tục trong 14 ngày mà không phải nổi lên mặt nước, gần tương đương với kỷ lục 18 ngày của tàu ngầm AIP lớp Type 212A của Hải quân Đức. Nhưng nâng cấp đáng giá nhất, khiến người Nga quyết định đưa Lada trở thành lớp tàu kế tục Kilo là nhờ khả năng kết hợp tấn công đồng thời bằng loại vũ khí không thể ngăn chặn như ngư lôi siêu tốc VA-111 Shkval 533mm mang theo một đầu đạn nổ mạnh hoặc hạt nhân nặng 210kg, tầm bắn tối đa 7 km và loại tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Oniks được bắn từ các ống phóng thẳng đứng trên tàu. Đặc biệt, loại tên lửa Onnik-M nội địa của Nga với tầm bắn lên đến 800km ở tốc độ Mach 2.5 được xếp vào loại tên lửa diệt hạm nguy hiểm nhất thế giới hiện nay có thể mang loại đầu đạn xuyên phá, đủ sức nhấn chìm 1 khu trục hạm tối tân chỉ sau 1 phát bắn. Quả thật, với tư cách là quốc gia dẫn đầu thế giới về trình độ phát triển tàu ngầm chiến đấu, người Nga không chỉ sở hữu những công cụ răn đe thiết yếu, đảm bảo vị thế cường quốc của họ mà còn tạo ra những giải pháp hiệu quả cho những quốc gia nhỏ bé hơn nhằm tăng khả năng tự vệ trước các nguy cơ bị gây hấn, tấn công trong bối cảnh nhiều quốc gia ngày càng có xu hướng đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, làm dấy lên lo ngại đẩy cả thế giới vào vòng xoáy chạy đua vũ trang mới.